[Ebook] Sách điển hình về giáo dục Montessori của Nhật: Tottochan – Cô bé bên cửa sổ

Giới thiệu ebook
Totto-chan bên cửa sổ là một cuốn sách văn học thiếu nhi nổi tiếng thế giới, và có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng cầm trên tay cuốn sách này. Cuốn sách có văn phong rất giản dị và tinh tế, kể về cuộc sống và những câu chuyện vụn vặt của cô bé Totto chan ở trường Tomoe – nơi đã biến Totto-chan từ một đứa trẻ “hết thuốc chữa” (theo như lời của người lớn) thành một một nhà văn, một diễn viên và hơn hết là đại sứ thiện chí của Unicef (Cô bé Totto-chan trong truyện chính là tác giả cuốn sách Kuroyanagi Tetsuko).

Totto-chan, tên gọi thân mật của Tetsuko, là một cô bé cá tính. Trường tiểu học gần nhà đã sớm cho Totto-chan thôi học khi em mới nhập trường được vài hôm với lý do em quá nghịch ngợm, khác thường và làm ảnh hưởng đến việc dạy và học ở nhà trường.
Cho rằng nhà trường không hiểu con gái mình, mẹ của Totto-chan đã đưa em tới học ở một trường tiểu học đặc biệt với lớp học là những toa tàu cũ, tên là Tomoe Gakuen. Ở đây, thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku đã duy trì một phương pháp giáo dục đặc biệt – tôn trọng tính cách riêng biệt, độc đáo của học sinh, nhờ đó Totto-chan và các bạn (những học sinh cũng đặc biệt như Totto-chan và các học sinh khuyết tật) đã trở nên tự tin, tự mình xây dựng cuộc sống học đường riêng với những sáng kiến và niềm vui mới, và đó là bệ phóng để khi các cô cậu bé trưởng thành, họ đã trong tư thế của những người mạnh mẽ, sẵn sàng hòa nhập xã hội.
Tottochan – cô bé bên cửa sổ
Ngay trong năm đầu tiên ra mắt, năm 1979, cuốn sách đã trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản với 4,5 triệu ấn bản đã được bán. Đến nay, chỉ riêng tại Nhật Bản, con số này là 7 triệu bản. Đây được cho là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.
Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Khắp nơi trên thế giới Totto-chan bên cửa sổ trở thành một tác phẩm kinh điển, được đón nhận như là một câu chuyện đầy say mê, xúc động đối với các em thiếu nhi, một một cuốn sách tham khảo có một không hai đối với các phụ huynh học sinh, và như một tài liệu sư phạm kiểu mẫu đối với các nhà giáo. Ở Nhật Bản, một số chương trong cuốn sách được đưa vào nội dung chính thức của chương trình trong sách giáo khoa.
Tác động trong việc giáo dục trẻ
Với phụ huynh và những người làm công tác giáo dục, Totto-chan bên cửa sổ sẽ mang đến cho người đọc một cái nhìn đầy tính nhân văn về phương pháp giáo dục mà thầy Kobayashi – hiệu trường trường Tomoe đã dành trọn cuộc đời mình để thực hiện nó: “Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt, cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt” ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.” Thầy đã tạo ra một môi trường học tập để nuôi dưỡng những tâm hồn tự do và để chúng phát triển theo thiên hướng tự nhiên của mình. Chính những cách ứng xử tôn trọng và lắng nghe từng lời nói của trẻ con như thể các em là một người lớn, trao cho các em một niềm tin mãnh liệt và không ngừng khích lệ dù các em có tự tin hay vẫn còn ngại ngùng của thầy Kobayashi đã mở cho các em một cánh cửa mới để những tâm hồn bị “bỏ rơi” trong lối giáo dục truyền thống được hít thở và trưởng thành trong tự do.
Totto-chan bên cửa sổ cũng là cuốn sách đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của Trường Ngoại khóa TOMATO. Trăn trở của thầy hiệu trưởng Kobayashi về một thế hệ tương lai “có mắt nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp, có tai nhưng không nghe được âm nhạc, có óc những không nhận ra chân lý, có trái tim nhưng không bao giờ rung động và do dó không bao giờ rực cháy!” cũng chính là trăn trở của rất nhiều phụ huynh và những người tâm huyết với giáo dục. Do vậy, Totto-chan bên cửa sổ không chỉ là một quyển sách ắp đầy giá trị nhân văn và giá trị đạo đức hay, một món quà tinh thần quý giá mà còn mang một giá trị giáo dục rất lớn.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét