Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp giáo dục sớm dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Bà tập trung phát triển năm lĩnh vực: Giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Phương pháp Montessori được áp dụng rộng rãi trên thế giới và thu được nhiều thành tựu, đặc biệt ở các nước Mỹ, Nhật, châu Âu…
Nhưng phương pháp này cũng có những ưu và nhược điểm của nó.
1. Ưu điểm
Bộ trò chơi phát triển năng lực
Montessori phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm chứng kết quả công việc của mình (ví dụ bộ xếp hình bản đồ thế giới, nếu các mảnh ghép chưa khớp lại được với nhau, trẻ tự biết là mình chưa xếp đúng).
Giáo viên được đào tạo để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi trò chơi, quy trình và cách giải thích cho trẻ. Trong giờ học, trẻ tự lựa chọn trò chơi cho mình – mỗi trò nhằm phát triển một hay một vài trong số năm lĩnh vực trên. Nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ đưa ra chỉ dẫn hợp lý cho trẻ.
Đây là video giới thiệu các hoạt động trong giờ học của trẻ: http://www.youtube.com/watch?v=OM1Gu9KXVkk
Tự lập
Montessori cho rằng trẻ em cần và muốn được tự mình lo lấy các việc cá nhân. Người lớn chúng ta đang “phục vụ” trẻ em quá nhiều, trong khi nên nhớ rằng nếu trẻ không được làm cái gì, chúng sẽ không biết làm cái ấy. Tại sao trẻ không được tập dọn đồ ăn cho bản thân mình chỉ vì nỗi sợ của người lớn là chúng sẽ đánh đổ bát đĩa? Với niềm tin trên, Montessori khuyến khích giáo viên/bố mẹ tạo cơ hội cho trẻ được làm mọi thứ trong khả năng, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các cô bé cậu bé giữ gìn lớp học luôn sạch sẽ và gọn gàng như vốn có.
Bà nhấn mạnh trẻ con là một nhân vị (một cá nhân được tôn trọng như người lớn) nên trẻ có thể tự làm mọi thứ chăm sóc bản thân. Trẻ thấy mình được tôn trọng, tự làm mọi thứ như người lớn còn bố mẹ nhàn hạ hơn. Montessori tập trung một lĩnh vực riêng để phát triển kỹ năng này của trẻ con là kỹ năng cuộc sống. Trong đó bao gồm hết các kỹ năng cơ bản mà khi trẻ 6 tuổi chúng có thể làm thuần thục không cần bố mẹ tác động: vệ sinh hàng ngày, giúp bố mẹ việc nhà, bảo vệ môi trường, lao động công ích… Có lẽ giờ bạn đã hiểu vì sao trẻ con nước ngoài lại tự lập được như thế nhỉ? Chúng có thể sáng tạo ra một dụng cụ, tự lập công ty, bán báo… từ khi còn rất nhỏ.
Tập trung
Khi áp dụng Montessori bạn sẽ thấy các trò chơi và dụng cụ cho trẻ không chỉ là chơi đơn thuần, chúng đều là vui chơi có mục đích và đều rèn sự tập trung cao độ. Ví dụ như trò xúc hạt, trò xâu hạt, rót nước, xếp tháp… bạn sẽ thấy trẻ chơi một cách say mê, chúng bị cuốn hút vào các trò chơi, và tập trung vào trò chơi đó một cách tự nhiên không gượng ép. Từ đó hình thành dần sự tập trung cao độ.
Trẻ phát triển não phải thông qua năm giác quan
Như đã nói ở trên, Montessori phát triển năm lĩnh vực và đều dùng học cụ để chơi. Khi chơi trẻ phải dùng cả 5 giác quan của mình với sự thích thú khám phá rất tự nhiên. Bạn cũng biết, não của chúng ta là một bộ phận cơ thể nên cơ chế của chúng cũng không nằm ngoài quy luật: Nếu dùng nhiều, dùng thường xuyên thì nó sẽ phát triển. Trong giai đoạn vàng, trẻ nhận được càng nhiều kích thích lên não bộ thì não càng phát triển, từ đó trẻ càng thông minh, lanh lợi, hiểu chuyện, sớm phát triển sự tinh tế và óc thẩm mỹ.
Mỗi một bài học của Montessori, đôi khi rất đơn giản mà bạn có thể làm ở nhà cho bé. Đơn giản tới mức ngày xưa chúng ta thường bị cấm chơi vì nghịch bẩn làm bố mẹ phải dọn. Thế nhưng với Montessori chúng đều có mục đích học tập trong đó. Ví dụ: Trò chơi nghịch nước, bạn cho rằng chơi vậy vô bổ, nghịch nước ướt quần áo, lại phải thay, lại phải giặt. Với Montessori nói riêng và khoa học giáo dục sớm nói chung phản đối điều này. Trẻ cần được vui chơi tối đa trong khuôn khổ an toàn. Nghịch nước có thể biến thành bài học rót nước trong Montessori, trẻ vừa được chơi nước, vừa luyện cách cầm bình (cầm nắm), luyện lực cổ tay (nhấc bình lên rót nước vào bình còn lại), và sự chỉnh chu, ngăn nắp (chơi xong lau nước vãi, cất đồ về chỗ cũ). Tất cả những kích thích đó đều tác động lên não trẻ. Đó chẳng phải là những kỹ năng và bài học rất ý nghĩa hay sao!
Phát triển não trái bằng những bài học tư duy
Trong giai đoạn vàng của đại não, hai não phải được kích thích đều thì trẻ mới phát triển toàn diện được. Phát triển não phải cần phải phát triển cả não trái. Não trái là tư duy logic, suy luận, tổng hợp.
Những bài học của Montessori có nhiều bài áp dụng phương pháp thử và sai. Trẻ nhìn bố mẹ làm một lần rồi tự làm, sai thì thử kiểu khác, làm tới đúng thì thôi, Bố mẹ chỉ gợi ý, không làm cho trẻ, không cầm tay chỉ việc. Qua những lần thử và sai đó, trẻ tự rút ra được kinh nghiệm, quy luật của trò chơi, bản chất của vấn đề, từ đó phát triển não trái của trẻ.
Trẻ hiểu bản chất vấn đề chứ không học vẹt
Điển hình của việc này là toán học trong Montessori. Trẻ sẽ được làm quen dần các khái niệm từ số đếm đến số học từ giáo cụ. Sau nhiều lần chơi với giáo cụ trẻ sẽ tự rút ra bản chất và quy luật của số học (số thập phân, phân số, số chẵn, số lẻ…), phép tính (cộng, trừ, nhân, chia hàng đơn vị tới hàng nghìn), … Trẻ học một cách tự nhiên, tự chúng khám phá nên chúng rất thích và say mê.
Ví dụ bài học về số chẵn, lẻ mà chúng tôi đã đăng tải. Nếu bây giờ cho bạn giải thích thế nào là số chẵn, số lẻ với bé bạn giải thích thế nào? Ngày xưa khi đi học cô giáo cũng chỉ giảng cho chúng ta khái niệm chẵn, lẻ và chúng ta mặc định là như thế. Trong Montessori, bà giải thích bằng giáo cụ. Ví dụ nói đơn giản, số chẵn là khi bạn xếp các chấm thành hai hàng bằng nhau thì là số chẵn, còn nếu hai hàng không bằng nhau thì là số lẻ.
Rèn tính cách, không chỉ có kiến thức khoa học.
Cách cư xử là một vấn đề được rèn luyện nhiều trong Montessori. Như đã nói ở trên, ngoài tính tự lập và tập trung, trẻ sẽ học được tính ngăn nắp, kiên nhẫn, quy chuẩn và kìm chế. Mỗi bài học Montessori cần theo đúng các bước vạch sẵn, chơi xong xếp giáo cụ về đúng vị trí và lau dọn, làm một lần chưa được thì hai lần, ba lần, n lần. Phương pháp thử và sai (bé tự làm, sai làm lại, bố mẹ không tác động) giúp trẻ kiên nhân và kìm chế. Thông thường trẻ không được làm hài lòng (như mở mãi không được nắp hộp) sẽ la hét, cáu gắt nhưng với trẻ học Montessori, các bé thường kiên nhẫn làm đi làm lại, làm đẹp thì thôi, đẹp rồi tự xếp thành cái khác.
2. Nhược điểm
Bà không đề cao sự tương tác cá nhân.
Với trẻ khả năng giao tiếp là một yếu tốt quan trọng giúp trẻ phát triển. Trẻ nào cũng cần được chơi và thích chơi với các bạn. Nhưng các bài tập Montessori thường chú trọng vào cá nhân trẻ mà ít có yếu tố tương tác nhóm trẻ với nhau. Điều này cần được khắc phục. Ngoài giờ học chơi Montessori, trẻ nên được vận động, chơi đùa với các bạn.
Ngoài ra Montessori không chú trọng vào trí tưởng tượng
Bà cho rằng tưởng tượng chỉ làm trẻ xa rời thực tế. Các bài học của Montessori đều chơi qua giáo cụ nên trẻ ít phát huy được trí tưởng tượng. Vì vậy ngoài việc áp dụng Montessori cần bổ sung thêm các hoạt động làm phong phú cho trí tưởng tượng.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về ưu và nhược của Montessori. Bất cứ phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm, vì vậy áp dụng nhiều phương pháp, phát triển đồng thời cả hai bán cầu não là phương thức giáo dục sớm giúp trẻ phát triển toàn diện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét