Nền móng của phương pháp giáo dục sớm 0 tuổi



Chương trình GIÁO DỤC SỚM 0 TUỔI gồm 8 lĩnh vực phát triển toàn diện cho trẻ, được thiết kế dựa trên 56 Chỉ số phát triển quan trọng (Key Developmental Indicators) xác định các mục tiêu học tập cơ bản đối với trẻ nhỏ.
  

1. LĨNH VỰC NGÔN NGỮ: TIẾNG VIỆT - TIẾNG ANH
Chương trình GIÁO DỤC SỚM 0 TUỔI xem việc nhận biết mặt chữ và đọc hiểu là một phần trong quá trình bồi dưỡng "ngôn ngữ thị giác" (ngôn ngữ viết) song song với việc phát triển "ngôn ngữ thính giác" (ngôn ngữ nói), nghĩa là dạy trẻ nghe và nói. Trẻ học được các quy tắc trong giao tiếp, có khả năng diễn đạt rõ ràng các cảm xúc, ý tưởng, suy nghĩ của bản thân; đồng thời có nhiều cơ hội để phát biểu trước tập thể. Kỹ năng đọc của trẻ được phát triển song song qua hai hình thức: ghi nhớ kiểu chụp ảnh các từ và ghép vần chữ cái. Trẻ được tắm mình trong môi trường chữ viết phong phú với các trò chơi ngôn ngữ, các thẻ chữ cái, thẻ từ, thẻ hình và các loại sách truyện theo từng trình độ. Đồng thời, kỹ năng viết cũng được phát triển theo đúng khả năng điều khiển của não bộ. Việc bồi dưỡng và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết được thực hiện hàng ngày trong mọi hoạt động theo nguyên tắc "dạy trong linh hoạt, học trong trò chơi, người dạy có chủ ý mà người học thì vô thức" , giúp trẻ phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên với sự thích thú và say mê.
Chương trình Tiếng Anh - ESL được thiết kế và tích hợp nhằm hỗ trợ việc học tiếng Anh với đầy đủ nội dung, chủ điểm. Giáo trình tích hợp, hoạt động phong phú nhằm phát triển ngôn ngữ của trẻ một cách toàn diện. Trong khi khám phá các chủ đề và phát triển các kĩ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) cùng đội ngũ Giáo viên quốc tế người bản xứ và Giáo viên Việt Nam, trẻ đồng thời được thực hành các kỹ năng diễn đạt bằng lời, khả năng tương tác, tư duy phản biện, diễn đạt sáng tạo, trực quan so sánh, kỹ năng, kỷ xảo. Tiếng Anh không chỉ được sử dụng trong giờ học ESL mà còn được vận dụng trong các hoạt động hằng ngày; qua các trò chơi, qua âm nhạc và đọc sách.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
1. Hiểu: Trẻ hiểu ngôn ngữ.
2. Nói: Trẻ sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ, chia sẻ, yêu cầu.
3. Từ vựng: Trẻ hiểu và sử dụng đa dạng các từ vựng và cụm từ.
4. Nhận thức về ngữ âm: Trẻ nhận biết được các âm thanh riêng biệt của ngôn ngữ nói.
5. Kiến thức về chữ cái: Trẻ nhận biết và phát âm được chữ cái.
6. Đọc sách: Trẻ đọc để giải trí và biết thông tin.
7. Viết: Trẻ viết với nhiều mục đích khác nhau.
8. Học tiếng Anh: Trẻ có thể sử dụng từ vựng và giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh.
2. LĨNH VỰC TOÁN HỌC
Chương trình Toán học được phát triển song song giữa việc hiểu bản chất các số và các phép toán như: nhớ thẻ chấm hoặc học đếm số lượng với việc tính nhanh dựa trên các quy ước về số. Các khái niệm về chuỗi cũng được đưa vào để trẻ hiểu các quy luật của toán học và của tự nhiên. Trẻ cũng được làm quen với các hoạt động phân tích và xử lý số liệu từ cơ bản như biết ghép đôi các vật đến việc lập và đọc được các biểu đồ đơn giản. Chương trình hình học và không gian sẽ giúp trẻ tìm hiểu về đặc tính của các hình 2D, 3D và phát triển các khả năng định hướng trong không gian.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
9. Chữ số & biểu tượng chữ số: Trẻ nhận diện và sử dụng chữ số và biểu tượng chữ số.
10. Đếm: Trẻ đếm được nhiều vật xung quanh.
11. Mối quan hệ một phần-toàn bộ: Trẻ kết hợp và phân loại số lượng các đối tượng.
12. Hình dạng: Trẻ nhận diện, gọi tên và mô tả các hình dạng.
13. Nhận thức không gian: Trẻ nhận biết mối quan hệ không gian giữa con người và các đối tượng, có khả năng định hướng trong không gian.
14. Đo lường: Trẻ đo lường, mô tả, so sánh và sắp xếp thứ tự các đối tượng.
15. Đơn vị tính: Trẻ hiểu và ứng dụng khái niệm đơn vị tính.
16. Khuôn mẫu: Trẻ nhận diện, mô tả, sao chép, hoàn thành và sáng tạo các khuôn mẫu.
17. Phân tích dữ liệu: Trẻ sử dụng thông tin về số lượng để đưa ra kết luận, quyết định và giải quyết vấn đề. 
3. LĨNH VỰC ÂM NHẠC & HỘI HOẠ
Chương trình âm nhạc giúp trẻ phát triển độ nhạy cảm đối với vẻ đẹp của âm nhạc từ rất sớm qua việc thường xuyên được tiếp xúc với các bản nhạc ở các thể loại khác nhau. Ở giai đoạn tiếp theo, trẻ được giới thiệu về các đặc tính của âm nhạc một cách nhẹ nhàng và đầy hứng thú thông qua các trò chơi và những trải nghiệm thực tế với các nhạc cụ và các dụng cụ âm nhạc. Từ đó giúp trẻ hiểu và cảm thụ âm nhạc một cách tự nhiên và khoa học. Thông qua âm nhạc, trẻ cũng được khuyến khích diễn đạt các cảm xúc, ý nghĩ về bản thân và về thế giới xung quanh mình.
Trẻ sẽ được làm quen với các học cụ, chất liệu và kỹ thuật của hội họa. Với các trải nghiệm về hoạt động hội họa phong phú, trẻ sẽ phát triển các khả năng sáng tạo và diễn đạt cảm xúc, ý tưởng của mình. Chương trình hội họa sẽ giúp trẻ làm quen với các thành phần của hội họa như đường nét, mảng miếng, màu sắc, chất liệu, hình khối, bố cục cũng như các nguyên lý cơ bản của môn nghệ thuật này. Đồng thời, trẻ bắt đầu làm quen với việc đánh giá và cảm thụ nghệ thuật cũng như hiểu được vai trò của hội họa trong cuộc sống.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
18. Nghệ thuật: Trẻ miêu tả và thể hiện lại những gì trẻ quan sát, suy nghĩ, tưởng tượng và cảm nhận thông qua nghệ thuật hai chiều, nghệ thuật ba chiều.
19. Âm nhạc: Trẻ miêu tả và thể hiện lại những gì trẻ quan sát, suy nghĩ, tưởng tượng và cảm nhận thông qua âm nhạc.
20. Vận động: Trẻ miêu tả và thể hiện lại những gì trẻ quan sát, suy nghĩ, tưởng tượng và cảm nhận thông qua vận động.
21. Chơi giả vờ: Trẻ miêu tả và thể hiện lại những gì trẻ quan sát, suy nghĩ, tưởng tượng và cảm nhận thông qua các trò chơi giả vờ.
22. Thưởng thức mỹ thuật: Trẻ biết thưởng thức mỹ thuật sáng tạo. 
4. LĨNH VỰC GIÁO DỤC THỂ CHẤT
Chương trình thể chất và phát triển các giác quan giúp trẻ phát triển các kỹ năng cơ bản như điều khiển cơ thể, kỹ năng chuyển động, giữ thăng bằng và nhận thức về chuyển động trong không gian. Thông qua các trò chơi thể chất, trẻ cũng học được cách chuyển động an toàn và rèn luyện kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm. Các phần thể chất bao gồm: phát triển các vận động thô và vận động tinh; tập giữ thăng bằng trên các dụng cụ; thể dục nhịp điệu và Yoga.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
23. Vận động thô: Trẻ thể hiện sức mạnh, tính linh hoạt, sự cân bằng, và tính dẻo dai khi vận động các cơ lớn.
24. Vận động tinh: Trẻ thể hiện sự khéo léo và phối hợp tay-mắt khi sử dụng cơ bắp nhỏ.
25. Nhận thức về cơ thể: Trẻ nhận biết về cơ thể và làm thế nào để định hướng cơ thể trong không gian.
26. Chăm sóc bản thân: Trẻ tự thực hiện việc chăm sóc vệ sinh cá nhân hàng ngày.
27. Hành vi lành mạnh: Trẻ tham gia các hoạt động lành mạnh. 
5. LĨNH VỰC XÃ HỘI, CỘNG ĐỒNG & CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Chương trình xã hội, cộng đồng cung cấp cho trẻ những quan niệm, kiến thức về văn hóa, lễ hội, lịch sử, địa lý... phù hợp với khả năng của trẻ. Ở giai đoạn đầu, trẻ được giới thiệu và ghi nhớ các kiến thức xã hội theo kiểu "đàn gảy tai trâu" và đến giai đoạn sau, trẻ được khuyến khích tiến hành các dự án nghiên cứu nhỏ dưới sự hỗ trợ của người lớn.
Chương trình Công nghệ thông tin (ICT) giúp trẻ làm quen với bàn phím, tập sử dụng máy tính, tập gõ bằng tay, chơi trò chơi, học đếm, học vẽ, học tiếng Anh trên máy tính. Phần mềm Ngôi nhà Toán học của Millie với bảy hoạt động dưới dạng trò chơi sẽ giúp trẻ học về các con số, cách đếm, phép cộng trừ, mô hình, giải câu đố, kích thước, các dạng hình học. Với Ngôi nhà Khoa học Sammy, trẻ được thực tập khả năng phân loại, sắp xếp thứ tự, quan sát, dự đoán và xây dựng qua năm trò chơi hấp dẫn. Ngôi nhà Không gian và Thời gian của Trudy giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận biết thời gian và địa lý, qua đó xây dựng một nền tảng vững chắc cho các môn khoa học xã hội sau này. Phần mềm Thế giới sôi động Thinkin'Things 1, 2 và 3 được thiết kế để cung cấp cho các em học sinh nhỏ tuổi các kỹ năng tư duy đa dạng: ghi nhớ, suy nghĩ phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
28. Sự đa dạng: Trẻ nhận thức được mọi người có đặc điểm, sở thích và khả năng khác nhau.
29. Vai trò của cộng đồng: Trẻ nhận ra rằng mọi người có vai trò và chức năng khác nhau trong cộng đồng.
30. Ra quyết định: Trẻ tham gia vào việc ra quyết định trong các hoạt động tại lớp học.
31. Địa lý: Trẻ nhận ra và giải thích các tính năng và một số địa điểm trong môi trường.
32. Lịch sử: Trẻ hiểu biết về quá khứ, hiện tại và tương lai.
33. Sinh thái học: Trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ môi trường. 
6. LĨNH VỰC KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
Chương trình khoa học kỹ thuật giúp trẻ làm quen với những thí nghiệm, quá trình nghiên cứu, thu thập thông tin bằng cách sử dụng các giác quan của mình. Trẻ sẽ biết sử dụng các thông tin đó để nhận diện một số quy luật đơn giản, phỏng đoán và thảo luận các ý tưởng của mình. Trẻ sẽ có những nhận thức tốt và phát triển ý thức tôn trọng bản thân, tôn trọng các sinh vật khác và bảo vệ môi trường.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
34. Quan sát: Trẻ quan sát các tài nguyên và quy trình trong môi trường xung quanh trẻ.
35. Phân loại: Trẻ phân loại tài nguyên, hành động, con người và sự kiện.
36. Thí nghiệm: Trẻ làm thí nghiệm để thử nghiệm các ý tưởng của mình.
37. Dự đoán: Trẻ dự đoán những gì mong đợi sẽ xảy ra.
38. Rút ra kết luận: Trẻ đưa ra kết luận dựa trên kinh nghiệm và quan sát của mình.
39. Diễn đạt ý tưởng: Trẻ diễn đạt ý tưởng của mình về đặc điểm của sự vật và cách thức chúng hoạt động.
40. Thế giới tự nhiên và vũ trụ vật chất: Trẻ thu thập kiến thức về thế giới tự nhiên và vũ trụ vật chất.
41. Các công cụ và công nghệ: Trẻ khám phá và sử dụng các công cụ và công nghệ. 
7. LĨNH VỰC GIÁO DỤC NHÂN CÁCH & KỸ NĂNG SỐNG
Chương trình giáo dục nhân cách và kỹ năng sống được tích hợp trong từng hoạt động hàng ngày và được thể hiện rất rõ trong từng lĩnh vực nêu trên. Trẻ được phát triển những nhận thức về bản thân, những kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, dinh dưỡng và sự an toàn. Trẻ được hình thành các thái độ tích cực, các giá trị và phẩm chất đạo đức tốt cho bản thân mình, đồng thời phát triển các khả năng giao tiếp xã hội hiệu quả.
Các kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng tự học, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng suy nghĩ, kỹ năng tự quản lý bản thân, kỹ năng tương tác với mọi người (lãnh đạo, hợp tác, phát biểu trước đám đông…) được hình thành và phát triển qua các sinh hoạt, học tập và vui chơi mỗi ngày ở trường.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
42. Nhận thức bản thân: Trẻ có thái độ tích cực về nhận thức bản thân.
43. Ý thức về năng lực bản thân: Trẻ cảm nhận mình có năng lực.
44. Cảm xúc: Trẻ nhận ra, gọi tên và điều tiết cảm xúc của mình.
45. Sự đồng cảm: Trẻ chia sẻ sự đồng cảm với người khác.
46. Cộng đồng: Trẻ tham gia vào cộng đồng lớp học.
47. Xây dựng quan hệ: Trẻ xây dựng mối quan hệ tốt với bạn và với người lớn.
48. Chơi hoà đồng, cộng tác với bạn: Trẻ tham gia vui chơi hoà đồng và hợp tác trong tập thể.
49. Phát triển đạo đức: Trẻ được phát triển tốt về nhận thức đúng, sai.
50. Giải quyết xung đột: Trẻ giải quyết xung đột trong tập thể. 
8. KỸ NĂNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
Trong những năm đầu đời, trẻ cần được hướng dẫn, rèn luyện những kỹ năng học tập làm nền tảng cho việc học sau này. Chương trình GIÁO DỤC SỚM 0 TUỔI giúp trẻ hình thành nên những thói quen học tập và phương pháp tiếp cận, làm thế nào để trẻ có được kiến thức và nắm vững kỹ năng, định hướng kinh nghiệm học tập trong các lĩnh vực nội dung khác. Chương trình cung cấp kinh nghiệm cho trẻ nhằm giúp từng trẻ thích ứng với phong cách học tập phù hợp và giúp đỡ trẻ phát triển khả năng để thực hiện các nhiệm vụ học tập và giải quyết vấn đề với sự tự tin, linh hoạt, và kiên trì.
CÁC CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN QUAN TRỌNG (Key Developmental Indicators)
51. Chủ động: Trẻ thể hiện sáng kiến ​​khi khám phá thế giới xung quanh.
52. Kế hoạch: Trẻ tham gia lập kế hoạch và theo dõi việc thực hiện kế hoạch theo ý định của trẻ.
53. Tham gia: Trẻ tập trung vào các hoạt động mà trẻ quan tâm.
54. Giải quyết vấn đề: Trẻ giải quyết các vấn đề gặp phải khi chơi.
55. Sử dụng các nguồn lực: Trẻ thu thập thông tin và xây dựng ý tưởng về môi trường.
56. Phản ánh: Những kinh nghiệm của trẻ phản ánh đúng bản thân trẻ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

More

Like Us

Whats Hot